Nói Chuyện Gà

Gà là loài vật đã cùng hiện diện với loài người trên trái đất này từ nhiều thiên niên kỷ. Nguồn gốc giống gà, việc phân bố gà trên thế giới, sinh học về gà, cùng các khiá cạnh kinh tế , kỹ thuật  của kỹ nghệ nuôi gà đã được nhiều nhà khảo cổ , nhân chủng, và nhất là những nhà khoa học hiện nay nghiên cứu khá tường tận.  Nhưng như những loài vật còn in đậm dấu ấn tình cảm trên đời sống con người, được loài người thuần hoá rất sớm như chó, mèo, trâu, bò, lừa, ngựa,… ta còn thấy rất nhiều hình ảnh thật dễ thương của những chú gà con, những trống, những mái thật đẹp của loài gia cầm ấy  trong thơ, văn, nhạc, họa: từ chú gà độc nhỡn trong truyện của Tô Hoài  đến chú gà trống gô-loa (gaulois) đỏm đáng của nước Pháp, từ gà mẹ chăm chút đàn con trong tranh gà làng Ðông Hồ cho đến những chị gà mượt mà, hàng năm đẻ trên, dưới 300 trứng trong những hội chợ gà ở nhiều nơi trên thế giới. 

Trong những gia đình Việt Nam, vào những dịp giỗ chạp, ma chay, lễ tết chắc chắn không thể thiếu một điã gà cúng nguyên con được trưng bày cẩn thận trên bàn thờ gia tiên, hoặc những món gà hấp dẫn trên bàn, hay trên chiếu tiệc.

1Nguồn Gốc Giống Gà và Phân Bố Gà trên Thế Giới

        Giống gà nuôi hiện nay tên khoa học  là Gallus Domesticus, thuộc họ Phasianidae, có lịch sử lâu dài hàng chục ngàn năm.  Charles Darwin ông tổ của học thuyết tiến hoá, khi quan sát con gà rừng màu đỏ ( Red Jungle Fowl ) ở Ðông Nam Á đã xác định nó là tằng tổ của những con gà trong sân gà ngày nay.  Một vài nhà khảo cổ cho rằng gà đã được thuần hoá vào khoảng ba ngàn năm trước Công Nguyên. 

Nhìn chung các nhà nghiên cứu về gà cho rằng giống gà được phát hiện sớm nhất ở Ấn độ, Trung hoa, và Ðông Nam Á.  Ở Ai Cập và quanh vùng Ðịa Trung Hải gà cũng đã xuất hiện từ lâu đời.  Ba giống Brahma, Cochin, và Langshan là những nòi gà  Châu Á quan trọng nhất. Từ thế kỷ thứ mười lăm những giống gà Châu Á đã phối giống khá nhiều với những giống Châu Âu.  Hiện nay ta chưa có chứng cứ vững chắc nào về việc thuần hoá gà đã bắt đầu sớm sủa nhất ở Châu Á hay không, trừ trường hợp gà chọi xuất phát từ Ấn, Ja-va, Mã-lai.

          Ở khắp những đảo rải rác trên Thái Bình Dương, nơi nào có người, nơi ấy có gà.  Thuyền trưởng Cook trong chuyến hải hành đã ghi nhận “ tiếng gù gù thú vị trong rừng cây, và tiếng gáy vang lừng trên những cây ăn trái.”  Ở Tahiti, người ta kể cho các thủy thủ của  Cook  là thần Taarva đã tạo ra người và gà cùng một lúc.  Ở Hawaii, du khách được nghe kể là giữa trời nước bao la “ một con chim cực lớn đã xà xuống mặt nước, đẻ trứng, trứng nở thành đảo Hawaii.”

          Về sự hiện diện của giống gà ở Châu Mỹ các nhà nhân chủng học đã tranh cãi kịch liệt về việc gà đã có mặt trên châu lục này trước khi Kha Luân Bố ( Colombus) đến đó , hay là do người Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đem tới sau này, khi nhà thám hiểm Vicente Yánez Pinzón đến duyên hải phiá đông của Ba-Tây ( Brazil ) vào năm 1500.

Khi người Tây Ban Nha đến chinh phục Mễ Tây Cơ , dân Incas đã rất quen thuộc với con gà;  tên của hoàng đế Inca cuối cùng là Atahualpa - tên gọi con gà của người Quechua.  Trong nhiều bộ lạc của thổ dân da đỏ ở Nam Mỹ, gà và trứng đã được dùng rộng rãi vào mục đích tôn giáo và nghi lễ.

          Chúng ta cũng biết người Hy Lạp và La Mã cổ thời đã từng dùng gà vào việc tế tự. Ðiều này cũng đúng với các dân tộc sống ở Châu Á, đặc biệt ở  Nam Trung Hoa và Ðông Nam Á.  Việc thần hoá gà hiện vẫn còn lưu truyền trong nhiều bộ lạc ở Thái, và ở Cam-pu-chi-a.  Với họ gà trống là con vật linh thiêng, một  ‘đồng thiếp’ của các thần.

          Những người theo Ấn Ðộ Giáo Chính Thống ( Orthodox Hindus) nằm trong số hiếm hoi những người coi gà là những con vật kinh tởm mà ta ngờ bắt nguồn từ hai lý do: việc những đối thủ của họ là người Hồi rất chuộng những con vật này, và thêm vào đó là nhiều nơi trên đất Ấn, gà ăn cả phân người.

Cho đến nay gà được ghi nhận đã xuất hiện ở Trung Hoa từ đời nhà Thương ( khoảng 1520-1030 trước CN) và là một trong những thực phẩm chính dùng trong nghệ thuật ẩm thực trung hoa.  Trung Hoa cũng nổi tiếng là nơi mà kỹ thuật ấp trứng và nuôi gà từng đàn lớn đã đạt rất sớm đến mức tinh tế.  Trứng sản xuất hàng loạt là một mặt hàng xuất cảng của Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước CN, và người Trung Hoa đã hoàn thiện những phương pháp bảo quản cũng như chuyển vận trứng trước các nước khác rất xa.  Ở những nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa như Nhật Bản, Ðại Hàn, Việt Nam, Mãn Châu, Tây Tạng, gà và trứng đều là những nguồn thực phẩm quan trọng, và được dùng nhiều trong cúng tế. Ở Ấn cũng như nhiều nước ở Trung Ðông, gà và trứng là thực phẩm chủ yếu trong đời sống hàng ngày . Người Do Thái, theo kinh Talmud, mang một gà trống và một gà mái đến trước cô dâu, chú rể trong đám cưới, họ khấn ‘‘ hãy sinh con đàn, cháu đống như gà. ’’

 Tuy nhiên ở một vài nơi vẫn còn tồn tại những thiên kiến đối với thịt và trứng gà. Nguồn gốc của việc tránh không ăn thịt và trứng gà ta thấy rải rác nơi một số bộ tộc ở nhiều nơi trên thế giới, như nơi người Walamo ở Ethiopia, người Uzinza ởUgandaHanzaga ở Burundi, người Azande ở Sudan ( Châu Phi) , người Vedda ở Tích Lan (Ceylan ) bắt nguồn ở tin tưởng rằng gà là một loài vật thiêng liêng, thứ đến là mối lo ngại về tính dục nơi những xã hội mà vai trò nam giới là vai trò thống trị, đặc biệt đối với việc tin rằng phụ nữ ăn trứng có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng khoái lạc của họ và do đó có ảnh hưởng xấu đến đời sống gia đình.

          Trong nhiều thập niên gần đây, nhiều quốc gia có kỹ nghệ nuôi gà phát triển như Hoa Kỳ và một số các nước  Châu Âu đã bằng nhiều cố gắng, đặc biệt qua LHQ,  quảng bá những kỹ thuật chăn nuôi, và qua đó cải thiện mức dinh dưỡng trong dân chúng những nước đang phát triển.  Ở khắp nơi trên thế giới ta có thể nói không ngoa “ Nơi nào có người, nơi đó có gà”.  Nhưng sự lạm dụng quá mức các chất kích thích tăng trưởng, các loại thuốc kháng sinh,  vấn đề vệ sinh và diện tích trại nuôi, cũng như không gian sống dành cho các loại gia súc, gia cầm, đặc biệt là gà đã dẫn đến những nguy cơ lớn đối với sinh hoạt và đời sống con người, điển hình là dịch cúm gà bộc phát liên tục trong hai, ba năm trở lại đây, khiến gà chết hàng loạt và số gà bị thiêu hủy lên tới hàng triệu, hàng chục triệu con ở những nước chuyên nuôi gà kỹ nghệ.

 2.  Kỹ Nghệ Nuôi Gà     

Người ta nuôi gà để lấy thịt và trứng. Trong tất cả các loài có lông vũ, gà là loài có số lượng lớn nhất trên thế giới hiện nay.Thịt và trứng gà là nguồn cung cấp dồi dào chất protein cho cơ thể chúng ta. Thịt gà tương đối ít mỡ hơn nhiều loại thịt khác, nhưng trứng gà chứa rất nhiều chất cholesterol.  Như chúng ta đều biết, lượng cholesterol nhiều trong cơ thể người là một nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Nuôi gà lấy thịt và trứng là một kỹ nghệ lớn ở nhiều quốc gia kể cả Úc, Canada ; trong vùng Ðông Nam Á, Thái Lan là nước có kỹ nghệ nuôi gà vào hàng thứ tư trên thế giới.

Cũng có người nuôi gà làm cảnh.  Họ chọn vóc dáng gà, màu sắc, cách phối trí màu lông,…và hàng năm tổ chức những cuộc thi tuyển ‘hoa hậu gà’ và ‘ lực sĩ gà đẹp’.  Lông gà có nhiều công dụng, ngoài công dụng trang trí, lông gà còn dùng làm quạt tay, làm mồi giả nhử cá.  Gà cũng còn được dùng trong nghiên cứu khoa học.  Trứng gà được dùng chế tạo trong nhiều vaccin dành cho người và thú vật.

          Gà trưởng thành trung bình nặng từ nửa kg đến khoảng 5kg, tùy giống. Lông vũ giúp bảo vệ thân nhiệt của gà trong mùa lạnh.  Gà có mào và bìu nhỏ dưới mỏ.  Gà mái đến tuổi đẻ ( khoảng 5, 6 tháng tuổi) đẻ đều đặn nhiều trứng.  Có loại đẻ đến gần 300 trứng mỗi năm.  Trứng ở nhiều trại gà kỹ nghệ được thu hoạch bằng máy.  Trứng chạy trên dây chuyền qua những đèn đặc biệt để công nhân lựa những trứng lành, không bị nứt, bể , rồi phân loại lớn nhỏ cho vào vỉ.  Gà thịt (ở Mỹ gọi là broiler) phần lớn đem làm thịt ở 7 tuần tuổi, vào lúc trọng lượng đạt khoảng 2kg.  Gà trống nặng trung bình từ khoảng 2,7kg đến 3,6kg ở vào tuần tuổi thứ 10.  Loại gọi là gà đồng (fowl ) được nuôi trên một năm rồi mới thịt.

          Ở Châu Âu từ thế kỷ thứ mười tám nhiều giòng gà đã phát triển ổn định nhưng cũng trong thế kỷ này việc du nhập những giòng gà lớn con Châu Á đã gây nên những cơn sốt nhập những loại gà mà ban đầu họ đặt tên đơn giản là gà ‘Thượng Hải’, hoặc gà ‘ Chittagoong ’ ( sau có tên chính thức là Cochin, thấy nhiều trong vùng Ðông Nam Á).    Ở Mỹ một hiện tượng vô cùng ngoạn mục là  Hội Chợ Gia Cầm Boston, do tiến sĩ John C. Bennett  đứng ra tổ chức vào ngày 14 tháng mười một, năm 1849.  Trên mười ngàn người đã tham dự cuộc triển lãm này, xem xét 1,023 con thuộc đủ giống, loại gà.  Vào giai đoạn này, gà đã xuất hiện trên trường giao lưu quốc tế: người ta mua bán, đổi chác, tìm mọi cách quảng cáo, tâng bốc những giống gà xuất sắc của mình.  Bác sĩ, luật sư, cả đến những mục sư cũng dẫn đầu trong chăn nuôi và trình diễn gà.

 Mục sư Edmund Saul Dixon  là người viết cuốn sách nổi tiếng  Khảo Về Lịch Sử và Quản Trị Gà Nuôi Thịt và Gà Cảnh (Treatise of the History and Management of the Ornemental and Domestic Fowl ) in vào năm 1849, cùng năm với cuộc đấu xảo gà ở Birmingham.  Theo Dixon con gà Thượng Hải có lẽ là con gà thượng thặng nhất trần gian, xứng đáng cặp với bất cứ chị gà nào trên thế giới. ‘Hắn’ ta quả là dân ‘quí phái ’. Mượn lời của một người rất ngoan đạo là Isaac Walton   “ Ðức Chúa Trời có lẽ đã có thể tạo ra một giống cá tốt hơn cả cá hồi, nhưng Ngài đã không làm chuyện ấy ’’, Dixon  viết  ‘‘ con gà Thượng Hải rặt giòng của chúng ta cũng vậy ’’ .  Những gà thuộc giòng Châu Á như Cochin, Brahma, Malay, Cochin China (đất Nam Kỳ xưa) phối giống với những giống địa phương như Polish, Hamburg, Dorking,… đã tạo ra những giòng gà mới đắt giá.  Những gà trúng giải nhiều con giá lên tới hàng ngàn bảng Anh.  Dixon không tin là có thể phát triển nuôi gà trên qui mô lớn vì Dixon đã chứng kiến những dịch bệnh làm chết gà hàng loạt. Nhưng ở Mỹ, dù Dixon được xem là một tác giả quan trọng, tâm lý thực dụng và mối lợi lớn do việc chăn nuôi gà đem lại đã thúc đẩy mọi giới nỗ lực cải tiến kỹ thuật chăn nuôi.  Trên đất Mỹ dần dần hình thành những trang trại nuôi gà qui mô rất lớn, từ vài chục ngàn con đến hàng trăm ngàn con.  Những trại nuôi gà lớn thường tập trung ở một số tiểu bang như ở New Jersey, Delaware, Pennsylvania, Texas.  Ngày nay thịt gà là món ăn rất bình dân của dân chúng nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ.  Việc Việt kiều về nước khoe ăn một ngày từ một đến hai con gà nướng không phải là chuyện phóng đại của kẻ từ xa trở về.

Một vài giống gà khá quen thuộc với người Việt là gà tàu vàng thường thấy nuôi thả ngoài vườn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, con trống nặng trung bình khoảng 2,5-2,8kg , con mái khoảng từ 1,8 - 2kg, cổ to, chân to, lông màu vàng tươi, biết ấp và nuôi con, thịt rất ngon.  Gà ác, dễ nuôi, cũng thường được nuôi trong nhiều gia đình. Gà có lông trắng, mỏ đen, chân chì, da ,thịt, xương màu đen, thịt thơm ngon, được coi là món tăng lực đại bổ.  Nuôi sau 4 tuần gà nặng khoảng 200g, tỉ lệ nuôi sống khoảng 96%-98%.

          Một vài loại gà mới được nhập nội từ Trung Quốc như gà Tam Hoàng , lông và chân màu vàng, mỏ vàng, đuôi có lẫn lông đen, thân ngắn, lưng bằng, đùi to, 4 tháng nặng 2kg, thịt thơm ngon, tỉ lệ nuôi sống tới 95% ( theo một bản tin Nông Nghiệp và Nông Thôn, Vĩnh Long ).  Gà Lương Phượng cũng nhập từ TQ; lông cổ, cánh, thân màu vàng sậm, tăng trưởng nhanh hơn gà Tam Hoàng, kháng bệnh tốt, nuôi 3 đến 3 tháng rưỡi đạt 2kg; thức ăn cứ 2,2 - 2,5kg cho 1kg thịt, đẻ vào tuần lễ thứ 24. Ngoài ra VN cũng đã du nhập nhiều giống gà năng suất cao từ Châu Âu và Mỹ như ISA Brown ( từ Pháp) chuyên đẻ trứng, lông màu nâu lợt, nhỏ con, nuôi 5 tháng đạt 1,6 –1,7kg, trung bình một mái đẻ 289 trứng/năm.  Một số giống gà đã từng nhập từ Mỹ  vào Miền Nam trước đây như Plymouth Rock  là loại gà vừa cho trứng, vừa cho thịt rất được ưa chuộng,Rhode Island Red , lông màu nâu, đẻ nhiều, kháng bệnh tốt nay cũng đã được nhập trở lại.  Ngoài ra ta còn có thể kể thêm một vài loại gà nổi tiếng khác như New Hampshire, Delaware.

3. Thú chơi gà đá

        Ngồn gốc của trò chơi đá gà cũng xa xưa như việc thuần hoá gà rừng thành gà nuôi thả sống gần con người trong những bộ tộc xưa.  Theo những nhà nghiên cứu về gà, Gà Rừng Ðỏ xứ Ấn Ðộ ( Red Jungle Fowl of India) và Gà Rừng Xám xứ Mã Lai ( Grey Jungle Fowl of Malaya) là tằng tổ của những nòi gà đá hiện thời.

          Vào thế kỷ thứ tư trước CN khi lần đầu tiên ta thấy người Hy Lạp đề cập tới con gà chọi, có phần chắc khi ấy gà chọi đã hiện diện ở Ấn Ðộ và Ðông Nam Á.  Người ta kể là ở Hy Lạp viên tướng Themistocles, một dũng tướng người Athenes đã đưa trò đá gà thành môn thể thao quốc gia. Khi Themistocles xua quân vào vùng Ba Tư ( nay là Iran ), ông ta thấy hai con gà đá nhau, ông đã cho đạo binh dừng lại và chỉ dụ cho binh đội như  sau  “ Trông đây, những gà này không chiến đấu cho các vị thần trong nhà của chúng, cho những đền đài của tổ tiên, cho vinh quang, cho tự do, hay cho an toàn của con cái chúng, nhưng chỉ vì không con nào chịu nhường con nào.”  Bị khích động như thế, binh đội Hy Lạp đã đè bẹp binh đội Ba Tư.  Mới chỉ bị ‘ khích tướng’, ‘chiến tranh tâm lý ’ tí tỉnh mà quân lính Hy Lạp đã hăm hở xung trận, đâu kể gì chuyện lý tưởng xa vời. Sau đó tướng Caelius đã cho thực hiện những trận đấu gà hàng năm tại trường đấu gà ở thành phố Perganum.  Người ta buộc thanh niên đến dự để học bài học về sự can đảm và học cả bài học về sức chịu đựng dẫu có phải chết chăng nữa.  Ngay từ thời kỳ ấy, người ta đã biết buộc những thanh kim loại  vào cẳng gà, và gà được huấn luyện như những giác đấu. Cũng theo truyền thuyết Hy Lạp, Hermes là thần về thương mại và giao thương, nhưng cũng là thần của bọn ăn cắp, cờ bạc, hùng biện và tranh tài thể thao. Vóc dáng hùng dũng của gà chọi, tiếng gáy ‘hùng hồn’ của nó khiến nó biến thành hình ảnh tượng trưng của thần Hermes.  Trong nhiều yếu tố văn hoá của người La Mã, họ đã thừa hưởng máu đam mê của người Hy Lạp.  Ðấu gà cũng là biểu tượng của người xưa không chịu khuất thân sống đời nô lệ.  Sau này trong nhiều nghi thức và trong nhiều ẩn dụ, ta thấy rất nhiều hình tượng các trận đấu gà.  Những trận đấu gà trong những thế kỷ sau phổ biến khắp nơi ở những vương quốc Châu Âu đến mức Giáo Hội phải tìm mọi cách ngăn chặn, vì những kích thích dã man của những trận ấy..

          Ở Ấn, Bán Ðảo Mã Lai, Thái Lan, Việt Nam, Cam-pu-chi-a, Lào, cho đến tận những vùng ở Bắc Phi không nơi nào ta không thấy có những trận đá gà.

          Ở Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân cũng như ở nhiều nước Á Châu khác trò đá gà ở nhiều nơi đã biến thành trò cờ bạc rất thịnh hành.  Trong thời gian vài năm trở lại đây, ở ngoại thành Hà Nội, xuôi theo đường Giải Phóng, qua hồ Yên Sở, cách cầu phao Khuyến Lương khoảng 1km là một sới gà (đấu trường) qui tụ hầu hết dân có máu mặt ở khắp các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Ðịnh,…Mỗi sới gà lại có nhiều ‘sàn’ gà, mỗi sàn qui tụ vài chục tay chơi .  Chủ gà nhìn gà nòi của mình lâm trận, kẻ thì nghiến răng trèo trẹo, cổ bạnh ra, mặt đỏ tiá, kẻ thì mặt tròn vành vạnh, lúc hồng, lúc tái, lúc đờ đẫn.  Ở những sàn đấu gà những ‘ biện gà’ luôn miệng ra giá 2 ăn 1 ( 200ngàn ăn 1triệu), 4 ăn 2,…Có nơi chưa đầy ba tiếng đồng hồ tiền cá độ lên tới cả 100 triệu đồng.  Chủ gà cho gà ăn tỏi, phun rượu ngâm gừng lên mình gà, xoa bóp cẳng, thân,…chăm sóc gà như ông bầu và huấn luyện viên chăm sóc các võ sĩ quyền anh. Tàn trận đấu ‘kẻ’ bại trận có con chỉ còn màng da dính vào cổ, máu ướt đẫm lông trên khắp thân mình; có con rũ cánh, gục đầu, mắt nhắm nghiền, thoi thóp thở vào những giây cuối cùng của đời gà; ‘kẻ’ chiến thắng cũng vấy máu trên đầu, trên cổ, trên cánh, nhưng vẫn oai dũng ưỡn ngực, vươn cánh gáy.  Chủ gà thắng ôm gà của mình vuốt ve, hôn hít; chủ gà bại mặt tiu nghỉu như chó cụp tai.  Và sau đó là màn chung tiền qua trung gian của trọng tài.

          Ở Phi Luật tân, một chuyện khó tin nhưng có thật đã xảy ra ở một sới gà vùng Zamboanga vào một dịp đầu năm 2004.  Chủ gà sau khi gá bộ cựa sắt sắc như dao cạo dài chừng 5cm vào chân con gà cưng của mình thì bất ngờ gà vuột khỏi tay chủ.  Thay vì lao vào đối thủ gà đã lao như sét đánh vào giữa đùi của chủ, cặp cựa sắc như dao làm rách toang ống quần đùi và làm đứt luôn một vài động mạch chủ.  Chủ gà đã trút linh hồn trên đường tới bịnh viện. Giải thưởng hôm ấy có tên Giải Thưởng Darwin.

          Một viên tướng thời đệ nhị cộng hoà ở Miền Nam xưa là tay chơi nổi tiếng về cả hai trò đá gà : gà chọi trên các ‘sới’ gà, lẫn ‘gà-chọi’ trên giường.  Mới đây ‘ chú gà’  này đã lại lên tiếng ‘gáy’ khi về thăm VN.  Ðó cũng là một chú gà ưa gáy, tuy tiếng gáy khiến nhiều người nghe khó chịu lắm.

4.  Khi Các Triết Gia và Những Nhà Khoa Học Xưa Bàn Về Gà

Aristotle có lẽ là sinh viên đầu tiên nghiên cứu về gà cũng như về nhiều khiá cạnh khác của thế giới tự nhiên và con người.  Trong hầu hết những lãnh vực nghiên cứu, với các triết gia trong những thời đại kế tiếp, những quan sát của Aristotlevề gà được coi là sự thật khó lòng phản bác.  Aristotle là người có vinh dự thực hiện thí nghiệm đầu tiên trong ngành phôi thai học bằng cách tách mỗi ngày một trứng trong ổ gà ấp và đã mô tả sự phát triển của phôi.

Khi Alcibiades hỏi Socrates tại sao ông không chịu tống cổ bà vợ đanh đá đi ( cũng chính cái bà vợ lắm điều nổi tiếng ấy vì tính tình khó chịu của bà khiến ông thành người ưa triết lý về cuộc đời ) thì Socrates đã trả lời , cũng hết sức triết lý : “  tại sao anh không đuổi lũ gà mái nhà anh ra khỏi nhà chỉ vì chúng vỗ cánh phành phạch.’’

Plato, môn đồ của Socrates,  đã định nghiã người là  ‘‘ loài hai cẳng không có lông vũ.’’  Khi Diogenes, thủ lãnh của nhóm Cynics, mang một con gà trống bị vặt trụi lông đến Học Viện của Plato và hỏi  ‘‘ đây chẳng phải là ‘Người’ của ông sao ’’ thì Plato đã xét lại định nghiã: ‘‘ Người là thú hai cẳng không có lông vũ, nhưng có móng lớn.’’  Mô tả ấy chả thoả đáng tí nào.  Nhiều triết gia sau này tìm cách bổ sung cho định nghiã ban đầu của Plato nhưng hầu như chưa ai thành công.

Gà là con vật quan trọng đối với văn hoá Hy Lạp; người La Mã còn hơn thế: họ mê gà đến độ tôn sùng.  Ở La Mã, gà là thực phẩm, là loài thú linh thiêng, thuốc, và là cả đề tài tra vấn triết học nữa.  Columella, một tác giả la-tinh viết về nông nghiệp vào thế kỷ đầu đã dành chương dài nhất để viết về gà trong cuốn De re rustica ( Bàn về những vấn đề thôn dã). Tự điển Oxford Encyclopaedia cho những thông tin của ông ‘‘chính xác một cách đáng ngạc nhiên.’’

          Varro ( khoảng 116-27 trước CN) là cha đẻ của khoa lịch sử thiên nhiên của La mã, là một giáo sĩ của Pompey.  Sau này khi Pompey bị đánh bại, ông về với Caesar, được phong làm giám đốc thư viện công cộng. Ông viết đến 620 tác phẩm, và không ngạc nhiên gì khi ta thấy ông đề cập khá nhiều đến De re rustica của Columella.

Sau Varro, Pliney the Elder ( 23-79 sau CN)  bạn của hoàng đế Vespasian đã viết một công trình bách khoa về lịch sử thiên nhiên có tên Historiae naturalis là một tập hợp đáng kinh ngạc giữa thông tin thật, và thông tin méo mó.  Cũng nhưColumella ông ham mê tìm hiểu gà đến độ sự tò mò của nhà khoa học đã khiến ông đến gần ngọn núi lửa Vesuvius khi ấy  đang phun lửa khiến ông chết ngạt sau đó.

          Sau Columella và Varro mười lăm thế kỷ có Ulisse Aldrovandi là người đã dày công nghiên cứu về gà.  Trong mười lăm thế kỷ liên tiếp con gà hầu như đã bị quên lãng trong cộng đồng uyên bác của phương Tây.  Dưới ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo người phương Tây đã từ lãnh vực thực hành, phổ quát trong toàn thế giới La Mã bước qua lãnh vực chiêm nghiệm, khu biệt.  Khoa học - sự quan sát cẩn thận về thế giới tự nhiên- nhường chỗ cho thần học, chỉ quan tâm đến những vấn đề ‘rốt ráo’ như mối quan hệ giữa Thượng Ðế và con người, và những dự kiến về tính bất tử.

 Và như thế, con gà - một trong những sinh vật trần tục nhất cũng như thực tế nhất đối với con người- đã bị bỏ quên.

          Ulisse Androvaldi  sinh ở Bologna vào năm 1522.  Hệt những nhà chuyên tìm hiểu về gà trong một vài thập niên gần đây, ông là người yêu thích gà, dành một đời chuyên chú quan sát giống này. Ông đọc không biết mệt những tác phẩm viết về gà của những tác giả cổ điển.  Những sưu tầm của ông kéo dài nhiều chục năm, có kèm theo những bức hoạ của nhiều hoạ sĩ.  Nhưng chân giáo sư về lịch sử thiên nhiên tại Ðại Học Bologna không đủ cho những sở phí của ông trong sưu tầm, nghiên cứu, và đặc biệt trong việc in bộ Magnum Opus gồm chín cuốn viết về các loài thú.  Năm ông 77 tuổi tác phẩm đầu tiên của ông mới được xuất bản (1599).

          Các sách của Androvaldi, theo tiêu chuẩn của những nhà khoa học hiện nay, thuộc loại ‘cưỡi ngựa xem hoa’, nhưng những quan sát trực tiếp của ông rất kỹ càng và chính xác.  Ông là một nhà điểu học khá hoàn thiện.  Nếu người đồng hương của ông là Columbus đã đi vòng thế giới trên những chuyến hải hành để đến Tân Thế Giới, ông là người đầu tiên dành một chỗ đứng vinh dự  trong từng bước phát triển của khoa học hiện đại về gà, trong khi những truyền thuyết, ngụ ngôn, và cả những giới có thẩm quyền trước ông về ngành này đã mất đi quyền lực của họ.

          Cho tới thế kỷ thứ mười sáu các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đưa một vài giống gà đến Bắc Mỹ, và qua thế kỷ thứ mười bảy người Anh đến định cư ở Bắc Mỹ đã đưa những gà có đẳng cấp của họ đến đây.  Từ đầu thế kỷ thứ mười chín một vài giống gà Mỹ đã được phát triển qua những hoạt động tích cực trong giới nghiên cứu khoa học cũng như qua những công trình quảng bá sau này.  Vào đầu thế kỷ sau, kỹ nghệ nuôi gà đã rất quan trọng, kỹ thuật nuôi gà được cải thiện liên tục, và đến giữa thế kỷ hai mươi gà đã thành sản phẩm chăn nuôi chính trong nhiều trang trại lớn ở nhiều quốc gia.

5. Gà trong Văn Chương, Nghệ Thuật       

Truyền thuyết và chuyện dân gian về gà rất phong phú nếu ta trở lại với mối quan hệ ta đã biết qua giữa người và gà trong thế giới cổ Hy Lạp – La Mã xa xưa. Hai phạm trù ta thường thấy là những phương ngôn và những ngụ ngôn.  Trong chuyện của Horace, câu nói “ từ trứng đến táo” chỉ rằng tiệc của người La Mã bắt đầu bằng món trứng, hàm nghiã bữa tiệc thịnh soạn.  Câu nói “ hắn từ trứng chui ra” ( He came forth from an egg ) nói về những người hết sức bảnh trai.  Theo truyền thuyết La Mã thì Castor và Pollux cũng đẻ từ trứng ra, sau khi cha là Jove giả dạng làm thiên nga làm tình với Leda khiến nàng đẻ được hai trứng; một trứng nở ra Castor và Pollux, trứng kia nở ra Helen-thành-Troy.  Trong thế giới cổ xưa, những người giống nhau về ngoại hình hay về tài năng thường được gọi là từ cùng một trứng mà ra.  Ở đây ta có thể thấy truyền thuyết bà Âu Cơ đẻ 100 trứng nở ra 100 con là một truyền thuyết cổ của dân Việt và ta không có lý do gì để không thể nói là từ trong đáy lòng của chúng ta, 100 người con ấy dù lên núi, hay xuống biển lại không thể mang trong mình mầm của tình thương yêu, đoàn kết.

Câu tiếng Anh “ gáy như gà chọi ” ( crowed like a gamerooster ) hẳn không khác câu ta vẫn thường nói về những anh chàng thích ‘nổ ’ như “ làm gì mà ‘gáy’ dữ thế. ’’  Ở Mỹ hai tiếng “ gà mái xanh ” ( blue hen) là tên gọi diễu tiểu bangDelaware, một tiểu bang có nhiều trại gà – và ‘gà xanh’ hàm nghĩa nóng tính, hay gây gổ. “ She’s the blue hen’s chicks ” chắc không xa với câu tiếng Việt “ Gà mái gáy gà cồ. ”  Trên đây là một vài câu tạm dùng để đối chiếu hai ngôn ngữ.  Trong tiếng Việt những câu có dùng tiếng ‘gà’ khá phong phú.  Ðể chỉ những kẻ nhát nhúa, chẳng làm nên trò trống gì, ta có câu “đồ gà chết”, hoặc “ gà nuốt giây thun”, hay “ gà mắc tóc”.  Ðể chỉ những anh lớn xác, phổi bò , ta có “ gà tồ ”.  Khi nghe những người nghịch ý nhau, nói chỏi lại nhau ta bảo “ ông nói gà, bà nói vịt ”.  Kể về lúc gặp chuyện khiến ta sợ quá, ta nói “ sợ đến nổi da gà ”.

 Ðặc biệt có một loại gà rất nhiều người ưa thích là “ gà-móng - đỏ ”; trong hàng ngũ loại này có loại gà đắt giá - loại thịt mềm, thơm và ngon, biết nũng nịu mà tiếng Pháp gọi là “ Poule deluxe ”.  Xơi loại gà này phải là những tay lắm của, nhiều tiền, hoặc nhiều quyền. Ở nhiều nước đã có những chính khách thân bại, danh liệt vì những gà-móng-đỏ ấy.  Bên Anh nhiều năm trước đây,  gà-móng-đỏ Christine Keeler đã khiến  bộ trưởng quốc phòng thuộc chánh phủ bảo thủ Anh là John Profumo bị đo ván trên giường, rồi sau đó phải từ giã cuộc đấu trên võ đài chánh trị.  Thời đệ nhất cộng hoà  ở miền nam Việt Nam xưa, một ‘ dũng tướng ’ (!) đã chết gục trên bụng gà-móng-đỏ.

          Về hội họa và điêu khắc của Việt Nam, ta thấy nhiều hình ảnh gà lưu truyền trong dân gian.  Tranh làng Ðông Hồ vẽ gà mái với đàn gà con là những bức tranh dân gian giàu chất nghệ thuật. Nổi tiếng nhất phải kể đến tranh gà, lợn của giòng họ Nguyễn Ðăng ở làng này. Vào những năm cực thịnh của tranh Ðông Hồ ( khoảng đầu thế kỷ 20 đến 1930) ta thấy lối bỏ mầu đặc biệt của nhà này: những bức tranh trên giấy dó với màu đỏ cam của son, màu vàng rực rỡ của hoa hoè, và màu xanh mơn mởn của lá mạ non, cùng với những đường nét đen, chắc và khoẻ, của than lá tre bồi hồ.

          Trong văn chương thế giới ta thấy không thiếu những câu chuyện hấp dẫn về gà, từ những ngụ ngôn của Ê-dốp (Aesop) cho đến những ngụ ngôn của La Fontaine mà nhiều người trong chúng ta đã được học trong chương trình trung học; chuyện ‘ Cáo và Gà’ là một điển hình. 

Ở VN, Tô Hoài là nhà văn tuyệt vời của tuổi thơ  qua những nhận xét cực kỳ tinh tế về các loài thú ở làng Nghĩa Ðô của ông. Những truyện ông viết như O Chuột, Quê Người,… là những tuyệt tác, đã đặt ông vào vị trí xứng đáng giữa những nhà văn lớn trên thế giới của thế giới không chỉ dành riêng cho tuổi thơ.  Chàng gà trống ‘độc nhãn’ trong truyện của Tô Hoài, qua vài nét phác hoạ, đã trở thành hình ảnh sống động mà người đọc chỉ một lần đọc đã có thể nhớ suốt một đời. 

Bài thơ Chợ Tết  của Ðoàn văn Cừ đăng trên báo Ngày Nay (1938) với những câu thơ như :                       

Chùa xóm làm ngay ở mé ngòi

                             Ngày tết lên chùa cúng gà xôi

                             Cúng xong các cụ chia gà béo

                             Bốn cụ ngồi bên chia bốn đùi

khiến ta thấy hình ảnh dung dị, chân quê  đầy thi vị.

          Huy Cận, cách đây hơn nửa thế kỷ, cũng từng viết về tiếng gà gáy trong bài Em Về Nhà:

                             Tới ngã ba sông nước bốn bề

                             Nửa chiều gà lạ gáy bên đê

nghe rõ ra là tiếng lòng bịn rịn của một trang thanh niên mới lớn, mới qua cảnh tiễn người yêu về quê nhà.

Cũng còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam khác đã đưa hình ảnh gà vào thơ, vào truyện của mình.

Gần đây thôi, khoảng trên một chục năm, Võ Phiến trong bài Gà Gáy Trong Thơ đã viết  “ Ðang nhớ nhung mà gà nó dồn cho mấy tiếng gáy trưa thì lòng dạ bấn loạn, bồn chồn, hết chịu thấu.  Gà với người gắn bó chặt chẽ quá.  Cái gắn bó quấn quít dế với gà, giữa thiên nhiên và con người,… ” Thật tình khi đọc câu “ Cái gắn bó quấn quít dế với gà” ta thấy cái hài hước nhẹ nhàng của nhà văn trước cuộc gắn bó bội phần hung hiểm (cho dế) ấy.  Cái này chẳng khác lắm cái gắn bó của đảng với nhân dân!

Ta cũng còn có thể dẫn rất nhiều hình ảnh gà, lẫn tiếng gà trong thơ văn của nhiều nhà thơ, nhà văn VN khác nữa, nhưng xin được tạm dừng ở đây để giới thiệu thêm một nét sinh hoạt văn hoá đẹp đẽ khác.

          Ở nhiều làng, xã Việt Nam thuở xa xưa còn tục lệ thờ  thành hoàng.  Hàng năm vào mùa xuân, nhất là vào tháng giêng, nhiều nơi có lệ tổ chức những hội thi tài trong đó có cả thi gà.  Như ở làng Tạ Xá, xưa có tên là Lường Tè nằm trong một cụm bốn làng Lường Tè, Lường Bụi, Lường Lủi, Lường Lau thuộc tổng Lương Xá, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Ðông.  Bốn làng thờ chung một thành hoàng: Trung Thành Ðại Vương Thượng Ðẳng Phúc Thần có công giúp Hùng Duệ Vương dẹp giặc cứu nước.  Ở đây, từ 10 đến 15 tháng 3 âm lịch đều tổ chức lễ rước thánh về nghè rất trọng thể.  Thi gà diễn ra trong dịp này.  Gà thi là gà sống thiến, thường nặng từ 2kg-2,5kg.  Gà giải nhất , nhì, ba được làm thịt tế thần.  Làm gà tế thần rất cầu kỳ, đòi hỏi khéo tay cũng như trang trí.  Khi cắt tiết không được nắm chặt đầu, cánh và đùi gà để tránh khi luộc da gà có những chỗ bầm tím, nom không được đẹp.  Chỗ cắt tiết dùng dao nhỏ, sắc, nhọn chọc tiết để khi luộc vết cắt ngậm lại. Nước sôi vừa sủi tăm để gà khỏi tuột da.  Mổ moi gà xong, gan, lòng, mề được làm sạch rồi nhồi lại vào bụng gà.  Cắt chân gà dưới khớp để tránh chỗ cắt bị co rút lên khi luộc chín.  Gà được luộc trong nồi rộng, dùng đũa ngáng sao cho đầu cổ ngay ngắn và gà nằm ở tư thế tự nhiên, cánh gà xoè ra trong dáng đang cất cánh bay.  Luộc xong, gà được đặt lên mâm đồng, mồm ngậm một bông hồng sẵn sàng dâng lên bàn thờ.

          Qua những hội thi vào những dịp lễ, tết như vậy ý thức về cái ngon, cái đẹp, cái khéo, cái hài hoà thấm dần vào đời sống dân quê.

          Một kiến trúc có tên độc đáo ở Ðà Nẵng  là ‘nhà thờ con gà’; đó chính là nhà thờ lớn Ðà Nẵng.  Một người Pháp đã cho đặt một tượng gà trên tháp chuông nhà thờ này vào năm1923.  Từ đó đến nay nhiều du khách vẫn có thói quen gọi đó là Nhà Thờ Con Gà.  Nhà thờ này là một công trình kiến trúc phối hợp giữa nghệ thuật gô-tích ( gothic) và la mã.

          Trên đường từ Huế xuôi Nam còn có một làng có tên ‘ Làng Gà’.  Một tượng điêu khắc rất lớn hình gà bằng xi măng nằm ở lối vào làng.

5. Gà trong nghệ thuật ẩm thực

        Trừ một vài trường hợp quá đặc biệt như với những tín đồ theo Ấn Ðộ Giáo Chính Thống, hoặc nơi một vài bộ tộc ở Châu Phi, gà là một trong những món thịt rất được ưa chuộng.  Với người Việt, gà là loại thịt được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.  Ðãi tiệc không thể thiếu món gà.  Cúng giỗ càng không thể thiếu.

          Các nhà hàng ở khắp nơi trên thế giới hầu như không nhà hàng nào không có món gà. Trong dây chuyền thương mại Gà Chiên Kentucky ( thương hiệu: ông già KFC )  cũng như trong  các hệ thống  thức ăn nhanh ( fast food ) khác như  Mac Donald, Burger King, Pizza Hut,… nhiều món gà bình dân bán rất chạy như cánh gà, đùi gà chiên kèm theo nhiều loại nước ‘xốt’ đặc biệt.  Nhưng ăn gà ở những tiệm fast food dù chuyên biệt như KFC, hay ở những tiệm thuộc hệ thống nấu theo lối Á Ðông như Manchu Wok, Ho Lee Chau ( thấy ở Mỹ, Canada) nhiều người không thấy ngon miệng bằng cơm gà bình dân ở nhiều nơi trên vỉa hè Sàigòn.  Mới đây, quán ăn Con Gà Pháp ở số 33 đường Lê Lợi, Nha Trang hãnh diện quảng cáo: “ Gà của tiệm chúng tôi được nấu đặc biệt theo kiểu Pháp.  Chúng tôi dùng toàn nguyên liệu và dụng cụ nấu ăn đưa từ Pháp qua.  Một con gà ở tiệm chúng tôi đủ cho bốn người ăn có kèm theo món ‘ khoai tây chiên’ ( french fries).”  Chủ nhân cao lớn, tươi cười, có dáng dấp của một ‘gà trống gô-loa’ đỏm đáng giữa những nữ công nhân xinh xắn người Việt.  Thật ra gà nơi đây ăn không khác gà nướng ở những chợ như chợ Loblaws ở Toronto, Canada, và ‘khoai tây chiên’ cũng na ná ‘ french fries ’ của Burger King.

          Trong những cách nấu ăn ( cuisine) nổi tiếng trên thế giới, cách nấu gà kiểu Trung Hoa, kiểu Pháp, Ý, Ai Cập và Ma-rốc là những cách nấu được nhiều giới sành ăn ưa chuộng.  Những món gà trung hoa được nhiều người biết là gà hầm thuốc bắc, gà xào cải làn, gà xào chua ngọt, gà hấp muối, gà hấp gừng hành, gà hấp xì dầu, cơm gà Hải Nam, cơm gà Triều Châu…Nhiều tiệm ăn trung hoa trên thực đơn có tới hàng vài chục món gà khác nhau nhưng về căn bản món hầm dùng một số vị thường thấy trong thuốc bắc như ý dĩ, hạt sen, nhãn nhục, táo tầu,  thảo quả, hoài sơn,… các món chiên, xào của lối nấu trung hoa dùng rất nhiều dầu ăn cũng như nhiều phụ gia như nước tương, rượu gạo nấu ăn, tỏi, gừng, quế, hồi, dầu hào, dầu mè (vừng)…

          Những món gà của người Pháp, người Ý cũng hấp dẫn thực khách khắp thế giới. Phó mát, dầu ô-liu, hành, tỏi thường được dùng trong việc nấu nhiều món gà. Nhập gia tùy tục, dùng cơm tây cho đúng lệ bộ quả là lỉnh kỉnh đối với nhiều người Việt chúng ta, nhất là khi vào nhà hàng, từ áo quần cần phải mặc cho đến thứ tự  chỗ ngồi khi vào bàn,  cùng với thứ tự các món ăn, uống: từ rượu khai vị ( apéritifs), đến món khai khẩu (entrées), rượu chính trong bữa ăn ( như rượu vang, thường là hai loại trắng, đỏ với ly dùng riêng cho mỗi loại) với các món ăn chính ( bò, heo, hoặc gà, hoặc hải sản); sau đó là tráng miệng ( với bánh ngọt, có khi là kem, trái cây); sau cùng thường là cà phê.

          Ði đâu rồi ta cũng về đến quê nhà.  Những món gà kiểu Việt Nam như gà luộc, gỏi gà, gà hấp lá chanh ( chấm muối, tiêu, chanh), gà  xào xả, ớt; gà xào gừng, hành; gà xào cải; gà nướng vỉ (ướp muối, tiêu, tỏi); miến gà, phở gà, bún thang,… đều là những món ăn lành mạnh không lạm dụng gia vị, không dùng nhiều chất mỡ, dầu.  Nghệ thuật nấu ăn chính của người Việt là tôn trọng vị và mùi thơm nguyên thủy của nguyên liệu chính dùng trong ăn, uống.  Xin mượn câu nói của một người bạn Canada gốc Pháp trong một buổi tiệc nhỏ đầu năm: “ Các món ăn việt nam đã được nêm gia vị một cách hết sức thông thái ( savamment dosés).”  Nghe xong thấy ấm cả lòng: lúc ấy qua khung cửa kiếng lớn ở phòng ăn nhìn ra một khoảnh đồi trống , nắng trong vắt rải trên sườn tuyết, nhạc cổ điển êm dịu, món ăn ngon, người cùng ngồi chung biết hoà chuyện và thưởng thức những món ‘hồn dân tộc’ của ta như gà luộc cắt miếng vuông vức, gà xé phay, nộm gà, bóng, miến, giò lụa,…khiến ta nhớ tới câu nói về ăn ngon của nhà thơ Tản Ðà. Ta không ngạc nhiên gì khi thấy càng ngày càng nhiều người trên thế giới biết đến tên tuổi những món ăn vừa ngon, vừa lành mà ông bà, tổ tiên đã truyền lại cho chúng ta.

          Nhân ngày đầu xuân, xin mời quí bạn cùng nâng chén.

6.  Dịch Cúm gà       

Khoa học đã giúp đưa kỹ thuật nuôi gà đến những giới hạn trước đây ta không thể tưởng tượng được: những trại gà có số lượng gà lên tới vài chục ngàn con, mức tăng trưởng gà đạt đến độ tối ưu: chỉ khoảng trên, dưới  2kg thức ăn để tăng trọng 1kg gà.  Gà nuôi qua 6 tuần tuổi đã đạt trọng lượng gần 2kg.  Gà mái đẻ hai trứng một ngày. Người ta dùng các phương pháp khử trùng khu vực nuôi gà, dùng sinh tố kích thích tăng trọng, chích ngừa, và dùng trụ sinh trong chăn nuôi.  Trong nhiều chục năm, tỉ lệ gà sống trong các trại đạt tới mức 95-98%.  Nhưng tiến bộ khoa học nào cũng có những giới hạn của nó, và khi loài thú bị khai thác đến mức thì tai họa bất ngờ dễ dàng xảy đến. Năm 2003 bệnh cúm gà bộc phát trước tiên ở một vài nước Châu Á; sau đó ngay tại Mỹ , Canada mà kỹ nghệ nuôi gà phải kể là phát triển vào hàng đầu thế giới, dịch cũng phát ra ở nhiều nơi. Ở Úc vào cuối năm 2004 cũng đã xảy ra dịch cúm gà đến mức báo động.

          Vào tháng10, 2004 vừa qua, tại Thái Lan dịch cúm gà xảy ra  khiến thủ tướng Thái Lan đã phải khẩn cấp triệu tập tỉnh trưởng của 76 tỉnh tìm biện pháp giải quyết khẩn cấp. Lúc đó, gà bị hủy lên tới 7 triệu con. Tại Indonesia, gà bị hủy gần 5 triệu con. Tại VN  số gà phải hủy từ Bắc chí Nam cũng lên tới trên 3 triệu con. Nhiều người khi đi ngang những bãi đốt, chôn gà, như bãi Ðông Thạnh, Hóc Môn, Gia Ðịnh vẫn chưa hết bồi hồi; riêng một xã điển hình về chăn nuôi heo, gà, vịt như xã Long Thới, Nhà Bè trận dịch đã quét đi gần như sạch sẽ những con thú nuôi chính của xã, khiến đa số dân trong xã phải lao đao, khốn khổ.  Ở phường Nguyễn Cư Trinh, Quận Một, Sàigòn có người nuôi chim cảnh ý thức được nguy hiểm của dịch bệnh lây lan từ gia cầm như ông lão Tư Vinh, đã ngoài 70 tuổi, tuy không nuôi gà, cũng đã gạt nước mắt tự nguyện giao những chim quí hiếm, trong đó có một con họa mi rất đẹp, hót hay, đã đoạt giải ba tại Hội Chợ Hoa Xuân. 

Virus cực kỳ nguy hiểm gây bệnh cúm gà là H5N1 ảnh hưởng tới Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ðài Loan, Camphuchia, nhưng tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết việc phát triển vaccin ngừa loại virus này chỉ có thể có được vào khoảng đầu năm Ất Dậu này. Ðây có lẽ là tin mừng lớn cho các nước có nền chăn nuôi gà kỹ nghệ, đặc biệt ở Châu Á.

          Bện cúm gà lây lan từ gia cầm qua người là nguyên nhân của dịch bệnh SARS khiến nhiều nước kinh hoàng.  Vùng đại đô thị Toronto, Canada đã trải qua một mùa dịch bệnh SARS vào năm 2003 mà người dân nay vẫn còn nhớ và ngán sợ. Các du khách từ Trung Quốc, Hương Cảng,  Singapore, Ðài Loan, Việt Nam đến Canada chịu kiểm soát hết sức kỹ càng. Mọi biện pháp phòng chống cẩn thận đều đã được chính phủ áp dụng, và dân chúng rất có ý thức tôn trọng những qui định cũng như những hướng dẫn của chính phủ đã giúp ngành y tế Canada khống chế được trận dịch chết người ghê gớm ấy.

          Dịch cúm gà trong năm qua cũng đã đến viếng nhiều vùng trên đất Mỹ từ Texas, đến Delaware, New Jersey và cảPennsylvania, nhưng virus gà tìm thấy trên đất Mỹ là loại H5N2, dạng ‘hiền’ hơn của loại H5N1 ở Châu Á.  Ngay khi phát hiện gà Mỹ bị virus H5N2 ở Delaware, New Jersey khoảng 30 quốc gia đã cấm nhập gà Mỹ. 

          Ở Canada, tỉnh bang British Columbia trong năm 2004 đã có trên hai chục trại gà qui mô lớn ( từ hàng chục ngàn trở lên) bị nhiễm virus khiến chính phủ phải lo ngại.

          Cũng cần nhắc lại ở đây là vi khuẩn H5N1 rất nguy hiểm vì ngoài tác hại gây chết hàng loạt cho gà, còn có thể lây lan từ gà qua người, biến thái thành dịch cúm sưng phổi cấp tính nơi người (SARS) . Mới đây ở Thái Lan người ta còn phát hiện lây lan qua mèo, và chó nữa.

          Bây giờ người ta đã dè dặt nhiều về tương lai rực rỡ của kỹ nghệ nuôi gà do những cơn bão dịch cúm gà liên tiếp trong hai, ba năm vừa qua khiến dân chúng nhiều nước , nhất là giới chăn nuôi gà, rơi vào vòng khốn đốn.  Thời kỳ vàng son của kỹ nghệ nuôi gà trong thế kỷ trước đã bắt đầu bước vào một giai đoạn thử thách đầy chông gai mới.

6. Gà Ảo trong Thời Ðại Ðiện Tử

        Ở thời đại điện tử người ta không chỉ gắn những con chíp ( chip ) để theo dõi sự di chuyển hoặc bệnh trạng nơi một số loài thú, người ta còn tính gắn chíp cho gà.  Ðể kiểm soát đàn gà chọi đắt giá của mình, lên tới trên 200ngàn con, Thái Lan đã có dự tính gắn chíp theo dõi sức khoẻ gà nhằm phòng ngừa  một trận dịch cúm có thể làm tiêu luôn đàn gà đắt giá này. 

Nói đến chip  ta không thể không nói đến kỹ nghệ điện tử.  Vào năm 1996 con gà ảo Tamagutchi do hãng Banzai – hãng sản xuất đồ chơi điện tử lớn nhất của Nhật Bản đưa vào thị trường đã lôi cuốn hàng triệu thanh, thiếu niên.  Gà ảo là một loại gà không ngán bất cứ thứ virus kiểu H5N1 nào.  Gà là một vật nuôi hình trái trứng bắt người nuôi phải chăm sóc, tắm rửa, và cho ăn cẩn thận; nếu không gà sẽ ủ rũ, chết toi! Theo lời nhà sản xuất, nuôi gà ảo tập cho thiếu niên tính siêng năng(?), có lòng nhân từ với thú và người chung quanh.  Nhưng nhiều học sinh đã mê trò chơi gà ảo đến độ quên cả học hành!!!  Mới đây bà Kazue, một đại diện của hãng Banzai còn thông báo hãng chuẩn bị đưa ra thị trường loại gà ảo mới có giới tính rõ ràng ( trống/mái); và gà mái ảo còn có thể đẻ trứng nữa.

Từ con gà ảo Tamagutchi, đến nay lại thêm thiếu nữ ảo dành cho đàn ông độc thân ( và ai cấm được cả những ‘ chàng gà’ đã có vợ, con đùm đề) do Cty Artificial Life sản xuất.  Giám đốc Shoneberg của hãng này đã anh dũng phát biểu “ Cô ta có thể làm bất cứ một chuyện gì mà một phụ nữ có thể làm. ”  Nếu gà mái ảo có thể đẻ trứng thì không chừng người đẹp ảo cũng có thể sanh con cho bạn (?).  Ôi! thời đại điện tử!! Kẻ viết bài này dám chắc sẽ có rất nhiều bạn đọc phe liền ông đầu tư vào những thiếu nữ ảo này cho đến lúc tan thành khói về với…thế-giới-ảo có thật; ở đó có bạn có thể sẽ phải đến gõ cửa thánh Phao-Lồ theo như tin tưởng của những người TCG.

         

          Xin kính chúc quí bạn đọc vạn sự may mắn, tốt lành.

Sầu Ðông

SPECIAL RACES ASIATIQUES

 

Ayam Bali

Ayam Bangkok

 

 

Ga Ho

 

 

 

Hint Horozu

Indian Game

 

 

 

Kinpa

Koeyoshi

 

Ko Shamo

 

Kureko Dori

Kuro Gashiwa

 

 

Madras Aseel

Photo: Willem van Ballekom (Holland)

Malay

 

 

Minohiki


North Indian Aseel

 

 

Ohiki

Onagori

 

 

O-Shamo 

South Indian Aseel

 

Reza Aseel

Saipan "Jungle Fowl"

Satsuma Dori

 

Shokoku


Sumatra

 

 

 

 

 

 

 

Sunda Game

Taiwan Shamo

 

Thai Game

 

Totenko
Tuzo

 

Twentse Grijze

Vietnamese Game 
(Ga noi Don & Ca noi Cua)
 
Yakido

 

Yamato Gunkei

Yokohama

 

 
 
FAMILIE PHAM
pham.familie@yahoo.de
Facebook Like-Button
 
ABZUGEBEN
 
rau can nuoc
 
Heute waren schon 6 Besucher (6 Hits) hier!
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden